Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Suy niệm: Chúa Nhật Tuần XVII TN-C

28/07/13 CHÚA NHẬT TUẦN 17 TN – C 
Lc 11,1-13
XIN VÀ ĐƯỢC
“Ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.” (Lc 11,10)
Suy niệm: Lời Chúa hứa thật chắc nịch và chúng ta đã nghe rất nhiều lần: “Ai xin thì sẽ được”. Thế nhưng chúng ta cũng có lắm kinh nghiệm về điều này là: không phải lúc nào xin hay tìm hay gõ đều được, đều thấy, đều được mở ra cho. Vậy phải chăng là Chúa chỉ hứa… cho vui?! Chắc chắn không phải vậy, mà đó là cơ hội để chúng ta khám phá ý Chúa nơi những việc xảy đến ngoài ý muốn của chúng ta, như có người nói:
- Chúng ta xin cho có sức khỏe để làm những việc lớn lao, Chúa lại ban cho ta sự yếu đuối để làm việc cách tốt hơn.
- Chúng ta xin cho được giàu sang để sống hạnh phúc hơn, Chúa lại ban cho ta nghèo khó để sống khôn ngoan hơn.
- Chúng ta xin cho được quyền lực để người đời ca tụng, Chúa lại ban cho ta sự hèn mọn để tôi ý thức cần đến Người hơn.
- Chúng ta xin Chúa ban cho mọi sự để tận hưởng thú vui cuộc sống, Chúa lại cho ta cuộc sống để tận hưởng mọi sự.
- Tuy chúng ta chẳng được tất cả những gì chúng ta xin, nhưng lại nhận được mọi sự chúng ta cần (Vô danh).
Mời Bạn: Bạn đã nhiều lần kinh nghiệm xin Chúa điều này điều kia. Khi không được như ý sở cầu, bạn đã phản ứng thế nào? Còn khi nhận được điều bạn xin, bạn có ý thức tạ ơn Chúa và sử dụng những ơn mình lãnh nhận để phục vụ tha nhân không?
Sống Lời Chúa: Dâng lên Chúa một lời nguyện tạ ơn trước mỗi biến cố dù vui hay buồn xảy đến trong đời bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã cho con có cuộc sống này. Xin cho con biết tận dụng những gì con đang có để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho anh chị em mình. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)

Suy niệm: Thứ Bảy Tuần XVI TN-C

27/07/13 THỨ BẢY TUẦN 16 TN
Mt 13,24-30
SỐNG CHUNG VỚI CỎ LÙNG
“Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.” (Mt 13,30)
Suy niệm: Không nhà nông nào muốn để cỏ lùng mọc xen lẫn lúa tốt, nhưng muốn nhổ bỏ cỏ lùng ra khỏi lúa thì thật khó khăn, bởi vì nhìn thoáng qua, trông chúng thật giống nhau, nhất là khi chúng còn non. Phải để ý quan sát mới nhận ra được cỏ lùng có thân rộng hơn, nhưng hạt lại nhỏ hơn cây lúa. Chúa Giêsu dùng hình ảnh này để nói đến một thực tại thiêng liêng tương tự.  Cuộc sống đời này vàng thau lẫn lộn, người lành sống gần kề với kẻ ác, người công chính đan xen với kẻ bất lương. Ngay nơi bản thân mỗi người, có lúc ta suy nghĩ hành động như thiên thần, có lúc ta lại đứng về phe của quỉ dữ. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Đáng ngạc nhiên là thái độ của Chúa qua hình ảnh của ông chủ ruộng: dù biết tác hại của cỏ lùng nhưng ông vẫn để “cả hai mọc lên cho đến mùa gặt.” Chúa không dung dưỡng điều xấu, nhưng Ngài khoan dung, nhẫn nại đợi chờ người tội lỗi hoán cải.
Mời Bạn: Thiên Chúa là Cha vô cùng nhân ái đã luôn cho ta cơ hội để hoán cải và luôn bắt đầu lại. Để nên giống Cha trên trời, chúng ta là con cái Ngài cũng phải có thái độ khoan dung nhẫn nại đó với những người xung quanh ta.
Sống Lời Chúa: Tập nhẫn nại khoan dung: Khi bị xúc phạm, bạn “trả đũa” lại bằng một việc bác ái.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chính Chúa đã cho con thời gian để nhận ra đâu là cỏ lùng trong con người của con. Xin cho con cảm nhận được lòng nhân từ của Chúa để con biết sống bao dung với anh chị em con.
(5 Phút Lời Chúa)

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Suy niệm: Thứ Năm Tuần XVI TN-C

25/07/13 THỨ NĂM TUẦN 16 TNTh. Giacôbê Tông Đồ
Mt 20,20-28
CÙNG UỐNG CHÉN VỚI THẦY
“Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.” (Mt 20,24)
Suy niệm: Mang nặng não trạng thế tục, hai anh em Giacôbê và Gioan xin được ưu tiên nắm giữ hai chiếc ghế quan trọng trong Vương Quốc của Chúa. Trước sự chậm hiểu mù quáng của họ, Đức Giêsu không nổi giận, cũng chẳng chán nản. Ngài chỉ ôn tồn nhắc nhở họ phải cùng uống chén của Ngài nếu muốn chia sẻ vinh quang với Ngài. Chén ấy, với Giacôbê, là vị tông đồ đầu tiên đổ máu tử đạo (Cv 12,2). Với Gioan, chén ấy là cuộc đời trăm tuổi của một chứng nhân kể câu chuyện Đức Giêsu giữa những cam go của đời thường. Khi uống chén với Thầy mình, cả hai vị không còn màng chi chiếc ghế bên tả bên hữu nữa, bởi vì các ông hiểu rằng trong Nước Trời, sự cao trọng không nằm nơi chiếc ghế, nhưng nơi việc phục vụ tận tâm như một người tôi tớ.
Mời Bạn: “Khiêm tốn với bề trên là bổn phận, với người ngang hàng là lịch sự, và với người thấp kém hơn là sự cao trọng”(B. Franklin). Với bạn, sự cao trọng của người môn đệ Chúa nằm nơi chức tước, trình độ kiến thức, phẩm chất tài năng, của cải... hay nơi việc khiêm tốn phục vụ, nâng đỡ chân tình?
Sống Lời Chúa: Tự hỏi chén Chúa muốn tôi cùng uống với Ngài là làm điều gì (chẳng hạn: hy sinh, kiên trì trong hoàn cảnh gia đình hay sứ vụ hiện tại...), rồi nỗ lực hết mình thực hiện để được chia sẻ vinh quang với Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã hạ mình phục vụ chúng con: Chúa không tìm cho mình một ngai vàng, nhưng đón nhận thập giá. Xin cho chúng con thay đổi cái nhìn về sự cao trọng, để hiểu rằng sự cao trọng đích thực là khiêm tốn phục vụ như Chúa.
(5 Phút Lời Chúa)

Câu chuyện nhân quả tại Dại học STANFORD năm 1982

CÂU CHUYỆN NHÂN QUẢ TẠI ĐẠI HỌC STANFORD NĂM 1892 
Đại học Stanford, năm 1892 

ĐÂY LÀ MỘT CÂU CHUYỆN CÓ THẬT XẢY RA VÀO NĂM 1892 TẠI ĐẠI HỌC STANFORD 

Có một cậu học sinh 18 tuổi đang gặp khó khăn trong việc trả tiền học. Cậu ta là một đứa trẻ mồ côi, và cậu ta không biết đi nơi đâu để kiếm ra tiền. Thế là anh chàng này bèn nảy ra một sáng kiến. Cậu ta cùng một người bạn khác quyết định tổ chức một buổi nhạc hội ngay trong khuôn viên trường để gây quỹ cho việc học. 

Họ tìm đến người nghệ sĩ dương cầm đại tài Ignacy J Paderewski . Người quản lý của Paderewski yêu cầu một khoản phí bảo đảm $2000 để cho ông ấy được biểu diễn. Sau khi họ thoà thuận xong, hai người sinh viên ấy bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị để cho buổi trình diễn được thành công. 

Ngày trọng đại ấy cuối cùng đã đến. Paderewski cuối cùng cũng đã buổi diễn tại Stanford. Thế nhưng không may là vé vẫn chưa được bán hết. Sau khi tổng kết số tiền bán vé lại, họ chỉ có được $1600. Quá thất vọng, họ đến chỗ của của Paderewski để trình bày hoàn cảnh của mình. Hai người sinh viên ấy đưa Paderewski toàn bộ số tiền bán vé, cùng với 1 check nợ $400, và hứa rằng họ sẽ trả số nợ ấy sớm nhất có thể. 

“KHÔNG”, Paderewski nói. “Cái này không thể nào chấp nhận được.” Ông ta xé tờ check, trả lại $1,600 cho hai chàng thanh niên và nói: “Đây là 1600 đô, sau khi trừ hết tất cả các chi phí cho buổi biểu diễn thì còn bao nhiêu các cậu cứ giữ lấy cho việc học. Còn dư bao nhiêu thì hãy đưa cho tôi.” Hai cậu sinh viên ấy vô cùng bất ngờ, xúc động cảm ơn Paderewski... 

Đây chỉ là một làm nhỏ, nhưng đã chứng minh được nhân cách tuyệt vời của Paderewski. 

Tại sao ông ấy có thể giúp hai người mà ông ấy thậm chí không hề quen biết. Chúng ta tất cả đều đã bắt gặp những tình huống như vậy trong cuộc sống của mình. Và hầu hết chúng ta đều nghĩ: "Nếu chúng ta giúp họ, chúng ta sẽ được gì?” Thế nhưng, những người vĩ đại họ lại nghĩ khác: "Giả sử chúng ta không giúp họ, điều gì sẽ xảy ra với những con người đang gặp khó khăn ấy?" Họ không mong đợi sự đền đáp, Họ làm chỉ vì họ nghĩ đó là việc nên làm, vậy thôi. 

Người nghệ sĩ dương cầm tốt bụng Paderewski hôm nào sau này trở thành Thủ Tướng của Ba Lan. Ông ấy là một vị lãnh đạo tài năng. Thế nhưng không may chiến tranh thế giới nổ ra, và đất nước của ông bị tàn phá nặng nề. Có hơn một triệu rưỡi người Ba Lan đang bị chết đói, và bây giờ chính phủ của ông không còn tiền để có thể nuôi sống họ được nữa. Paderewski không biết đi đâu để tìm sự giúp đỡ. Ông ta bèn đến Cơ Quan Cứu Trợ Lương Thực Hoa Kỳ để nhờ sự trợ giúp. 

Người đứng đầu cơ quan đó chính là Herbert Hoover, người sau này trở thành Tổng Thống Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Ông Hoover đồng ý giúp đỡ và nhanh chóng gửi hàng tấn lương thực để cứu giúp những người Ba Lan đang bị đói khát ấy. 

Thảm họa cuối cùng cũng đã được ngăn chặn. Thủ Tướng Paderewski lúc bấy giờ mới cảm thấy nhẹ nhõm. Ông bèn quyết định đi sang Mỹ để tự mình cảm ơn ông Hoover vì cử chí cao quý của ông ấy đã giúp đỡ người dân Ba Lan trong những lúc khó khăn. Thế nhưng khi Paderewski chuẩn bị nói câu cảm ơn thì ông Hoover vội cắt ngang và nói: “Ngài không cần phải cảm ơn tôi đâu, thưa ngài Thủ Tướng. Có lẽ ngài không còn nhớ, nhưng vài năm trước, ngài có giúp đỡ hai cậu sinh viên trẻ tuổi ở bên Mỹ được tiếp tục đi học, và tôi là một trong hai chàng sinh viên đó đấy.” 

THẾ GIỚI NÀY ĐÚNG THẬT LÀ TUYỆT VỜI, KHI BẠN CHO ĐI THỨ GÌ, BẠN SẼ NHẬN LẠI ĐƯỢC NHỮNG ĐIỀU TƯƠNG TỰ. 

Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013

Suy niệm: Thứ Tư Tuần XVI TN-C

24/07/13 THỨ TƯ TUẦN 16 TN
Th. Sácben Máclúp, linh mục
Mt 13,1-9
THÀNH CÔNG VƯỢT THẤT BẠI
“Người gieo giống ra đi gieo giống… Có hạt rơi trên nơi sỏi đá… Có hạt rơi vào bụi gai… Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả nhiều: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục.” (Mt 13,4-9)
Suy niệm: Dụ ngôn “Người gieo hạt giống” khởi đầu bằng những thất bại càng tăng dần: Hạt rơi bên vệ đường chưa kịp nẩy mầm đã bị lấy mất, hạt rơi trên đá sỏi vừa nẩy mầm đã bị héo khô và hạt rơi vào bụi gai đã mọc lên thành cây con, tưởng sẽ mang lại kết quả, nhưng rốt cuộc cũng chết khô. Sau những thất bại thảm thương ấy, tình thế lại thay đổi thật ngoạn mục: Ba hạt giống sau rơi vào đất tốt bù đắp lại những thất bại trước đây và đem lại mùa bội thu thật dồi dào. Đức Giêsu muốn dạy ta có một cái nhìn lạc quan về Nước Trời của Ngài. Nước ấy khởi đầu thật âm thầm, không tránh khỏi được những thất bại, thế nhưng cuối cùng Nước Trời sẽ thành toàn tốt đẹp.
Mời Bạn có một cái nhìn lạc quan về cuộc sống nói chung và với việc sống Lời Chúa nói riêng. Nếu thất bại là một phần của hạt giống thì thất bại cũng là một phần trong đời sống của bạn. Kết quả cuối cùng sẽ đủ sức bù đắp những thất bại trước đây. Việc loan báo Tin Mừng cho dù có gặp trở ngại, nhưng hạt giống Tin Mừng một khi được gieo vào tâm hồn con người, chắc chắn sẽ tới lúc trổ sinh bông hạt dồi dào.
Sống Lời Chúa: Bạn đã gặp nhiều thất bại ê chề trong nỗ lực xây dựng hạnh phúc gia đình, tình bạn, nhóm hay cộng đoàn. Đừng nản lòng, bạn hãy tiếp tục cố gắng bắt đầu từ hôm nay và rốt cuộc bạn sẽ có một mùa bội thu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn có một cái nhìn lạc quan hy vọng trong cuộc sống. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)

Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Suy niệm: Thứ Ba Tuần XVI TN-C

Suy niệm
23/07/13 
THỨ BA TUẦN 16 TN
Th. Bighítta, nữ tu
Mt 12,46-50

NÊN NGƯỜI THÂN CỦA CHÚA
“Người (Chúa Giêsu) còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người.” (Mt 12,46)
Suy niệm: Cho dầu là người thân của Chúa, mẹ và anh em của Ngài vẫn không dễ dàng vào gặp Ngài được. Có một hàng rào khó lòng vượt qua ngăn cách họ với Chúa, hàng rào của đám đông đang vây quanh Chúa. Những người này tự tách biệt mình khỏi mối liên hệ huyết thống với Chúa khi nói: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy” (c.47). Chúa Giêsu cho thấy có một mối liên hệ còn cao cả hơn khiến họ trở thành thân thiết với Chúa hơn bà con họ hàng khi Ngài khẳng định: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12,50).
Mời Bạn: Chỉ những ai thi hành ý muốn của Chúa Cha thì mới trở nên người thân của Chúa Giêsu. Điều này thúc đẩy mỗi người chúng ta hành động theo ý Chúa, theo lời dạy của Ngài mỗi ngày để trở nên người nghĩa thiết với Chúa và với Mẹ Maria. Thánh Phêrô đã khẳng định: “Vì ý muốn của Thiên Chúa là anh em hãy làm điều thiện để bịt miệng những kẻ ngu xuẩn vô tri” (1Pr 2,15). Vì thế, khi làm điều thiện là ta thi hành ý muốn của Thiên Chúa, là trở nên người thân thích của Chúa Giêsu và Mẹ Maria.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày suy niệm Lời Chúa và quyết tâm làm một việc thiện cụ thể theo ơn soi sáng của Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã gọi chúng con là bạn hữu khi Chúa tỏ cho chúng con biết việc Chúa làm. Xin cho chúng con trở nên người thân thiết với Chúa khi chúng con sẵn sàng làm việc theo ý muốn của Cha trên trời.
(5 Phút Lời Chúa)

Suy niệm: Thứ Hai Tuần XVI TN-C

Suy niệm
22/00/13 thứ hai tuần 16 tn

Th. Maria Mađalêna
Ga 20,1-2.11-18

Đừng giữ Chúa cho riêng mình
Đức Giêsu bảo: “Thôi đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em của Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em...” Bà Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa.” (Ga 20,17-18)
Suy niệm: Trong tất cả các nhân vật của sách Tin Mừng, ta chưa thấy ai bày tỏ tình yêu của mình với Đức Giêsu cách đặc biệt như chị Maria Mađalêna. Thật vậy, phải là người yêu mến Thầy Giêsu mãnh liệt lắm mới nóng ruột ra mộ từ lúc sáng sớm, khi trời còn tối, mà quên mất điều quan trọng: ai sẽ lăn tảng đá to che lấp cửa mộ? Hai ông Phêrô và Gioan ra mộ rồi cũng trở về, chỉ có chị còn nấn ná ở lại, không thất vọng, vẫn kiên nhẫn tìm kiếm Thầy. Chúa Kitô phục sinh trân trọng tình cảm của chị, nhưng đồng thời Ngài cũng giáo dục chị: đừng giữ riêng Ngài lại cho riêng mình, như một kỷ niệm đẹp, theo tình cảm sướt mướt, mà hãy gặp Ngài trong sứ mạng, trong trách nhiệm.
Mời Bạn: Nhớ rằng Đức Kitô phục sinh bao giờ cũng nâng bạn lên cao, thúc dục bạn dũng cảm lên đường đến với người khác. Nếu cứ mãi loay hoay với những người thân, với những dự tính riêng, bạn chưa thật sự gặp Chúa Kitô phục sinh.
Chia sẻ: Tôi muốn giữ Chúa Kitô phục sinh riêng cho mình hay là muốn đem Ngài đến cho người khác ?
Sống Lời Chúa: Tôi tập bỏ việc riêng để lo việc chung, tập đến với người khác hơn là chỉ loay hoay lo cho mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, Chúa không muốn chúng con giữ Chúa cho riêng mình hay gia đình, nhưng muốn chúng con đem Chúa, loan truyền Chúa cho mọi người. Xin giúp chúng con có được sự quảng đại ấy.
(5 Phút Lời Chúa)

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Suy niệm: Chúa Nhật XV TN-C

Ai là người thân cận?
1. TIN MỪNG: Lc 10,25-37
 LỜI CHÚA: “Ông hãy đi, và cũng làm như vậy”.
2. CÂU CHUYỆN:
Cách đây ít hôm trang mạng Telegraph và các trang mạng khác ở Trung Quốc và trên thế giới đều đồng lọat phát đi một đọan video clip và bình luận về tai nan tại thành phố Phật Sơn tỉnh Quảng Đông mà nan nhân là một bé gái 2 tuổi tên Duyệt Duyệt (Yue Yue) đang đi ngòai đường tại khu chợ ổ gần nhà và đã bị một chiếc xe tải nhỏ đụng phải. Đoạn video clip từ một máy quay bảo vệ an ninh tại hiện trường cho thấy viên tài xế xe tải sau khi đụng bé Duyệt Duyệt ngã ra đường, đã chỉ dừng lai một chút rồi lại tiếp tục chạy khiến bánh sau chiếc xe cán qua người bé lần thứ 2. Tuy nhiên, sự việc không dừng lại ở hành động phi nhân tính của gã tài xế. Chính thái độ thờ ơ của những người qua đường sau đó mới khiến người Trung Quốc băn khoăn tự hỏi không biết tương lai đất nước của họ sẽ đi về đâu ?
Thực vậy: trong suốt 7 phút từ lúc bé Duyệt Duyệt gặp nạn, lần lượt đã có tới 18 người đi ngang qua nơi cô bé bị nạn nằm trên đường, nhưng chẳng một ai quan tâm giúp đỡ. Người đầu tiên là một thanh niên mặc áo phông trắng và quần thể thao đi qua bé gái nằm sõng soài trên đường, máu túa ra trên mặt, nhưng anh ta đã ngó lơ. Tiếp theo là một người đi xe đạp thấy em đã vòng qua để đi. Anh ta đã ngóai lại xem có phải một người bị nạn đang nằm ở đó hay không, rồi lại thản nhiên đạp xe đi tiếp. Khi máu tuôn ra nhiều hơn, một người đi xe đạp nữa xuất hiện. Người này không chút quan tâm tới số phận của đứa trẻ. Ba con người vô cảm vừa nói đã không giúp đỡ bé Duyệt Duyệt đáng thương, dù chỉ làm một việc đơn giản là kéo cô bé vào bên vệ đường. Sự thờ ơ của họ đã dẫn tới sự kiện một tài xế xe tải khác đi tới, do đang nói chuyện diện thọai không nhìn thấy bé Duyệt Duyệt trên đường nên đã cán xe lên người em. Sau lần bị xe đè này, bé Duyệt Duyệt đã không còn cử động nữa. Liên tiếp sau đó, rất nhiều người đi xe đạp và cả một số người đi xe chở hàng qua khu vực nạn nhân nằm vẫn không hề quan tâm tới bé Duyệt Duyệt. Cũng có một người phụ nữ dắt theo đứa con đi qua, thấy bé Duyệt Duyệt bị nạn lại rảo chân bước nhanh hơn ngang qua em...
Chỉ tới khi một nữ lao công quét đường 58 tuổi đi tới, thì bé Duyệt Duyệt mới được cứu giúp. Bà này vội hạ túi đồ xuống và lôi đứa trẻ sang một bên đường để tránh cho bé khỏi bị xe cán tiếp. Rồi bà tri hô lên yêu cầu được trợ giúp. Bấy giờ mẹ đứa trẻ nghe thấy hớt hải từ trong nhà chạy ra và vội mang con đi cấp cứu tại một bệnh viện gần đó. Tuy nhiên, sự can thiệp đã trở nên quá muộn. Các bác sĩ nói rằng bé Duyệt Duyệt do bị chảy máu nhiều nên bị suy hô hấp và còn bị chấn thương sọ não nghiêm trọng không được cấp thời cứu chữa nên khó có cơ hội hồi phục lại được.
3. SUY NIỆM:
1) “Phải làm gì để được sự sống đời đời ?”: Người thông luật đã hỏi Đức Giê-su va sau đó đã tự tìm ra đáp án trong Luật: “Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và người thân cận như chính mình”. Đức Giê-su đã khen câu trả lời của người thông luật và bảo ông ta rằng: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”.
2) “Ai là người thân cận của tôi?” : Người thông luật lại hỏi Đức Giê-su: “Ai là người thân cận của tôi?” Thay vì trả lời, Đức Giê-su đã kể dụ ngôn về người Sa-ma-ri tốt lành: Một khách bộ hành đi từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-cô, bị bọn cướp đánh nhừ tử, trấn lột, rồi bỏ nằm nửa sống nửa chết bên lề đường. Đang khi hai thầy tư tế và Lê-vi “tránh qua bên kia mà đi”, thì người Sa-ma-ri ngoại đạo lại dừng chân, băng bó vết thương, đem nạn nhân về nhà trọ săn sóc và sẵn sàng trả thêm tốn phí săn sóc nạn nhân cho chủ quán. Qua đó cho chúng ta câu trả lời: người thân cận của chúng ta là hết những ai đang cần đến sự trợ giúp của chúng ta, là người gặp nạn được chúng ta dừng lại, cúi xuống và phục vụ tận tình. Cần nhắc lại: Không phải vì đó là người thân nên chúng ta mới phục vụ, nhưng là bất cứ ai mà khi tận tình phục vụ họ là chúng ta đã trở thành người thân cận của họ.
Người thân cận không phải đâu xa mà có thể là người cùng sống chung nhà, cùng nhóm sinh họat, cùng khu xóm. Có thể là bà hàng xóm, là cô bạn đang ở chung phòng, là người thân bên cạnh mà chúng ta đang phải chịu đựng thói hư. Tóm lại là tất cả những ai đã và đang gây ra đau khổ cho chúng ta… Tất cả đều có thể được chúng ta yêu thương và trở nên người thân cận của chúng ta. Chỉ cần chúng ta dừng lại, cúi xuống phục vụ là một người xa lạ hay đáng ghét lập tức trở thành thân quen, một kẻ thù liền hóa thành bạn hữu của chúng ta.
3) “Kẻ đã thực thi lòng thương xót”: Thánh Au-gút-ti-nô đã dạy: “Hay yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”. Quả thực: Khi đã yêu rồi chúng ta sẽ biết mình phải làm gì cho tha nhân trong bất cứ tình huống nào. Chúng ta sẽ có sáng kiến để hiến thân phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo khổ bất hạnh bên cạnh. Khi đã yêu rồi, chúng ta sẽ biết cách làm cho một kẻ xa lạ trở thành người thân, kẻ thù địch trở nên bạn hữu… Vi chỉ cần làm theo người Sa-ma-ri là thực thi lòng thương xót: Dừng lại và cúi xuống phục vụ người lâm cảnh khó khăn bất hạnh đang cần đến sự tích cực trợ giúp của mình.
4) “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”:
Qua dụ ngôn này Đức Giê-su muốn dạy nha thông luật và các tín hữu chúng ta hôm nay bài học: hãy yêu thương bằng việc làm cụ thể. Sở dĩ hai thầy tư tế và Lê-vi “tránh qua bên kia mà đi” là vì các thầy sợ bị ô uế theo Luật khi đụng vào xác chết, sợ bọn cướp có thể quay lại, sợ bị phiền hà... Nhiều người trong chúng ta cũng không dám ra tay giúp đỡ tha nhân khi họ đang cần là do chúng ta cũng sợ sẽ bị tốn công sức, thời gian, tiền bạc... Đang khi người Sa-ma-ri trong bài dụ ngôn đã dám vượt qua những sự sợ hãi ấy.
Tình yêu là một phép mầu, chỉ cần bước tới, xích lại và cúi xuống phục vụ là người xa lạ lập tức hóa nên thân quen, kẻ thù trở thành bạn hữu... Tình yêu thực sự cũng đòi cụ thể: sẵn sàng bị lấm lem chân tay, quần áo, sẵn sàng gặp những rắc rối nguy hiểm có thể xảy ra... Thế giới hôm nay vẫn có quá nhiều những người bất hạnh nửa sống nửa chết, những người nghèo đói bệnh tật và đang bị bỏ rơi. Thế giới vẫn đang cần những người Sa-ma-ri là các tín hữu chúng ta dám dừng lại, cúi xuống và tận tình phục vụ. Đã có khi nào bạn làm giống như người Sa-ma-ri nói trên hay chưa ?
4. THẢO LUẬN:
1) Bài Tin mừng mời chúng ta xét mình: “Tôi thường cư xử thế nào đối với những kẻ đang gặp hòan cảnh khó khăn?
2)Tôi cần làm gì khi gặp một người bị tai nạn trên đường hay đang lâm vào hòan cảnh bất hạnh trong cuộc sống để vừa thi hành được đức bác ái, lại vừa khôn ngoan tránh bị người khác hiểu lầm đã gây ra tai nạn?
5. NGUYỆN CẦU:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho mắt chúng con nhìn thấy được nỗi đau khổ trong ánh mắt kẻ khác, đặc biệt là của những người thân trong gia đình chúng con. Xin cho tai chúng con biết lắng nghe tiếng khóc của kẻ khác, nhất là của những kẻ cùng chung huyết nhục với chúng con. Xin cho chúng con biết lưu tâm thương xót những ai đang khốn khó, đặc biệt những người thân yêu của chúng con.
- LẠY CHÚA. Xin cho chúng con đủ khiêm tốn để đừng bao giờ gặp người đau khổ mà phớt lờ bỏ đi vì ngại vất vả cực nhọc, vì sợ bị nghi ngờ và nói xấu, hay sợ bị những kẻ gian lừa dối... Xin cho chúng con biết đề nghị để được giúp đỡ họ: “Này anh, tôi có thể giúp gì được cho anh hay không?”
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.
Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
Linh mục ĐAN VINH

Suy niệm: Thứ Bảy Tuần XIV TN-C

13/07/13 THỨ BẢY TUẦN 14 TN
Th. Henricô
Mt 10,24-33
Suy niệm: Kinh nghiệm bản thân của các Tông Đồ khi loan báo Tin Mừng cho Giáo Hội tiên khởi bị bách hại cho thấy có ba lý do để không sợ hãi. Một là Nước Thiên Chúa xuất hiện làm ta phấn khởi tin tưởng. Hai là những kẻ bách hại ta không thể hủy diệt sự sống thật của ta. Ba là Thiên Chúa hằng gìn giữ lo lắng cho chúng ta. Làm chứng nhân cho Tin Mừng là bản chất của sứ vụ tông đồ. Người tông đồ phải coi trọng giá trị thiêng liêng và liên kết với Đức Giêsu, Đấng sẽ bảo vệ họ trước mặt Thiên Chúa Cha.
Mời Bạn: Con người thường sợ hãi trước dư luận, sợ mất danh dự, sợ mất quyền lợi, sợ mất mạng sống. Vấn đề đặt ra vẫn là chúng ta sợ hay tin, vì ở đâu có sợ, ở đấy chưa có tin. Ở đâu còn nghi ngờ về tương lai, ở đấy còn ngờ vực Thiên Chúa không quan tâm đến chúng ta. Không sợ có nghĩa là vững tin giữa cơn phong ba cuộc đời. Dù bản chất ta yếu đuối nhát sợ, ta vẫn có chỗ trong công việc truyền giáo. Loan báo Tin Mừng đòi ta can đảm và biết kín múc sức mạnh từ nơi Thiên Chúa.
Chia sẻ: Trước thực tại xã hội nhiều phức tạp, bạn có dám đối mặt, dám bơi ngược dòng xu hướng thời đại để trung tín với con đường của Chúa không?
Sống Lời Chúa: Mạnh dạn nói về Chúa cho người chung quanh và làm chứng cho Chúa bằng một đời sống Kitô hữu chân chính.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa và hiên ngang sống đức tin trong đời thường của chúng con.
(5 Phút Lời Chúa)

Suy niệm: Thứ Sáu Tuần XIV TN-C

12/07/13 THỨ SÁU TUẦN 14 TN
Mt 10,16-23
Suy niệm: Giống như một chiến sĩ tình báo được sai đi trong một điệp vụ bí mật, một “nhiệm vụ bất khả thi”, các môn đệ được sai đi với những nhiệm vụ đầy cam go, nguy hiểm mà không biết trước mình phải nói làm sao, nói những gì khi đối mặt với những tình huống căng thẳng đó. Chúa chuẩn bị cho các môn đệ ứng phó với những tình huống xấu nhất: họ sẽ bị bắt bớ khắp nơi, bị mọi người kể cả những người thân thuộc nhất phản bội. Nhưng Chúa bảo các ông đừng lo, bởi vì Ngài đã trang bị cho các ông một thứ vũ khí có sức mạnh vô song và một đồng minh quyền năng siêu phàm: đó chính là “Thần Khí của Chúa Cha”. Chúa hứa “trong giờ đó sẽ cho biết phải nói gì” không phải bởi vì đây là một nhiệm vụ tối mật không thể tiết lộ công khai mà vì các môn đệ sẽ nói những lời được Thần Khí của Chúa Cha thúc đẩy từ đáy sâu tâm hồn của họ, nhờ họ luôn sống kết hợp mật thiết với Ngài.
Mời Bạn: Bí quyết để được Chúa “cho biết phải nói gì trong giờ đó” là: kết hợp mật thiết với Chúa bằng đời sống nội tâm cầu nguyện sâu xa.
Sống Lời Chúa: Thắt chặt mối quan hệ với Chúa bằng cách trung thành với việc cầu nguyện cá nhân với Chúa: mỗi ngày bạn nhớ dành 5 phút trò chuyện với Ngài.
Cầu nguyện: Bạn hãy dâng lên Chúa lời cầu nguyện tự phát của chính bạn để nói lên tâm tình yêu mến sâu xa nhất bạn muốn dành cho Chúa.
(5 Phút Lời Chúa)

Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Suy niệm: Thứ Năm Tuần XIV TN-C

11/07/13 THỨ NĂM TUẦN 14 TN
Th. Bênêđitô, viện phụ
Mt 10,7-15
Suy niệm: Ta thường cho rằng những lời trên đây là những lời khuyên, muốn làm cũng được, không thích cũng chẳng sao. Đang khi ấy, đây là những mệnh lệnh. Đức Giêsu như một tướng lãnh ra lệnh cho binh sĩ trước khi ra trận, như một vị vua truyền lệnh cho sứ giả, như một ông thầy ra bài cho học trò, như một người kêu cầu bạn bè trợ giúp. Đàng nào cũng là những việc thuộc loại phải làm và phải làm ngay. Như thế mệnh lệnh truyền giáo, rao giảng Tin Mừng là loại lệnh truyền khẩn cấp, bắt buộc và áp dụng cho mọi người. Có lẽ ta đã quá quen với việc khoán trắng lệnh này cho những người tu hành, mà quên mất đây là lệnh truyền mỗi người giáo dân.
Mời Bạn: Sửa chữa lại một cách nhìn sai về bổn phận của bạn: bổn phận rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho người chung quanh. Đức Giêsu mời gọi bạn thi hành bổn phận này bằng hai cách: lời nói giới thiệu về Nước Trời và việc làm phục vụ cụ thể.
Chia sẻ: Tôi sẽ giới thiệu Đức Giêsu cho người lân cận như thế nào: bằng lời nói? bằng việc làm?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ bắt đầu thi hành bổn phận này bằng cách giới thiệu con người và công trình của Đức Giêsu cho một người bạn chưa biết Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa đã tin tưởng giao phó việc rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho chúng con. Chúng con hứa sẽ giới thiệu Chúa cho người khác bằng lời nói và việc làm tốt đẹp của chúng con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)

Suy niệm: Thứ Tư Tuần XIV TN-C

10/07/13 THỨ TƯ TUẦN 14 TN
Mt 10,1-7
Suy niệm: Lời rao giảng “Nước Trời đã đến gần” đã vang lên trong hoang địa Giuđê khi Gioan Tẩy Giả được sai đến rao giảng cho dân Ítraen (Mt 3,2). Rồi khi Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ, Người cũng rao giảng với nội dung tương tự: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15). Thế rồi khi sai các tông đồ đi rao giảng, Đức Giêsu cũng căn dặn: “Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần.” Điều này cho thấy có một sự thống nhất về nội dung của lời rao giảng là: “Nước Trời đã đến gần.” Nước Trời ấy đã đến và tiếp tục đến với từng người. Nước Trời là một tình trạng đáng ước mong bởi tính ưu việt của nó là “công chính, bình an và hoan lạc trong Chúa Thánh Thần” (Rm 14,17).
Mời Bạn: Nội dung lời rao giảng: “Nước Trời đã đến gần” gợi lên một sự cấp bách, thôi thúc người nghe đón nhận Tin Mừng và đem ra thực hành để xứng đáng được vào trong Nước Trời. Lời rao giảng “Nước Trời đã đến gần” ngày nay vẫn còn tính thời sự, đòi phải được tiếp tục nơi mọi kitô hữu là những người đã được lãnh nhận Lời Chúa và, qua bí tích Thánh Tẩy, họ trở thành những thừa tác viên Lời Chúa, được sai đi với sứ mạng sống và loan báo điều họ đã nghe.
Chia sẻ: Bạn có thực hành ngay điều bạn nghe được nơi Lời Chúa không?
Sống Lời Chúa: Thiện chí và mở lòng lắng nghe lời rao giảng của những thừa tác viên Lời Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con lòng tha thiết được sống trong Nước Trời là nguồn hạnh phúc hơn mọi thứ hạnh phúc  trần gian có thể ban tặng, để chúng con mau mắn và thiện chí lắng nghe lời rao giảng về Nước Trời.
(5 Phút Lời Chúa)

Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

Suy niệm: Thứ Ba Tuần XIV TN-C

09/07/13 THỨ BA TUẦN 14 TN
Th. Dao Rong linh mục và các bạn tử đạo
Mt 9,32-38
Suy niệm: Thấy đám đông lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương. Ngài miệt mài hết rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa lại chữa hết mọi bệnh hoạn tật nguyền của dân chúng đến độ quên cả ăn, không có cả giờ nghỉ. Nhưng lòng mong mỏi của dân chúng quá thiết tha, nhu cầu quá lớn: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Chúa Giêsu đã muốn các môn đệ cũng chia sẻ, cộng tác với Ngài: trước hết, Ngài kêu gọi sự đồng cảm của các môn đệ biết xót thương đám đông đang bơ vơ, để rồi cầu xin Chúa Cha sai thêm thợ; đồng thời, Ngài thúc đẩy các “tay thợ” sẵn sàng tự nguyện dấn thân để được “chủ ruộng” sai đi. Lòng thương xót không bao giờ muốn hoạt động riêng lẻ đơn độc, nhưng cần sự nối kết để tạo nên sự hiệp thông.
Mời Bạn: Chúa Kitô tiếp tục chạnh lòng thương những cảnh đời bơ vơ vất vưởng. Ngài ‘cầu mong’ chúng ta cũng biết chạnh lòng thương, để cộng tác với Ngài trong khả năng có thể: hoặc là bằng lời cầu nguyện, hoặc là dấn thân để chăm sóc họ...
Chia sẻ: Bạn có nhận diện được những trường hợp ‘bơ vơ vất vưởng’ trong xã hội hôm nay không?
Sống Lời Chúa: Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của những người bất hạnh và cầu nguyện để biết mình phải làm gì.
Cầu nguyện: Lạy Cha là Đấng giàu lòng thương xót, xin cho con có được tấm lòng nhân hậu, để nhận ra, thông cảm, chia sẻ và nâng đỡ những cảnh đời bất hạnh đang ở đâu đó gần con.
(5 Phút Lời Chúa)

Family