Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2013

Nho Nhỏ

Nho nhỏ
Trong bất kỳ hoàn cảnh, địa vị xã hội, hãy luôn làm việc có ích. Như bông hoa nhỏ bên vệ đường, luôn khoe sắc tô diểm cho cuộc sống tươi đẹp.

Nho nhỏ bên vệ đường, 
Người qua chẳng vấn vương.
Vươn lên từ bụi cỏ,
Khoe sắc thắm yêu thương.
                              NVT
                       (Đà Lạt 01-2013)

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Quan phòng kỳ diệu-Lễ Thánh Phêrô và Phaolô

Quan phòng kỳ diệu-Lễ Thánh Phêrô và Phaolô
Trong chuyến hành hương Roma tháng tư vừa rồi, tôi có đến thăm Ngục thất Mamertine nơi giam giữ hai thánh Phêrô và Phaolô.
Chúng tôi đến Nhà thờ kính Thánh Giuse thợ (xây dựng năm 1538). Các hướng dẫn viên nơi đây rất tận tình, giải thích lịch sử thật thú vị. Dưới hầm Nhà thờ là nhà tù gồm hai phòng được xây chồng lên nhau. Phòng phía trên rộng hơn được làm nhà tù của Roma. Ở trên bàn thờ có tượng bán thân hai thánh Tông đồ Phêrô cầm Sách thánh và Thánh Phaolô cầm gươm. Tên của các tù nhân được khắc ghi trên hai tấm bia cẩm thạch (bây giờ được thay thế bằng hai tấm bảng gỗ). Phòng phía dưới ẩm thấp chật hẹp tăm tối, các tù nhân và tội nhân bị giam giữ ở đây trước khi bị hành quyết. Hai Thánh Phêrô và Phaolô bị giam giữ tại nơi này trong vòng 9 tháng.
Địa điểm nhà ngục nằm cạnh Quần thể Cổ Roma (Ancient Roman Forum), tạc sâu vào vách đá của đồi Capitol (Capitoline Hill) và nhìn xuống ngôi nhà dùng làm Nghị viện thời đó. Nhà ngục này được hoàng đế Roma là Servius Tullius xây vào thế kỷ VI trước Công nguyên, gồm có hai phòng giam chồng lên nhau. Phòng giam dưới là một khoảng chật hẹp ẩm thấp, chỉ xuống được qua một lỗ hổng trên sàn phòng giam trên. Nơi đây được sử dụng suốt thời kỳ Cộng hoà và Đế quốc Roma để làm tù ngục giam giữ và hành quyết.
Chính tại phòng giam này, viên tướng chỉ huy quân đội người Gaule là Vercingetorix bị xiết cổ đến chết sau chiến thắng của Julius Caesar, và cũng tại nơi đây, Jugurtha vua người Numidians đã bị giam cho chết đói. Vào thế kỷ I trước Công nguyên, Sallust một văn sĩ Roma đã mô tả nhà ngục này “sâu 12 feet, chung quanh là tường và trên là mái vòm bằng đá. Khung cảnh thật ghê tởm và đáng sợ vì bị bỏ bê, tối tăm và hôi thối”.
Một thế kỷ sau lời mô tả như trên của Sallust, Thánh Phêrô và Phaolô bị giam giữ nơi này. Những ngày cuối đời trước khi tử đạo, hai ngài bị cầm tù trong ngục thất âm u. Thế nhưng, sự hiện diện của hai vị tông đồ đã làm thay đổi nơi đây. Từ tăm tối thất vọng trở thành nơi hy vọng và tràn ngập ánh sáng đức tin. Các ngài rao giảng Tin Mừng cho lính canh ngục là Processus và Martinianus. Hai người lính Roma xin được rửa tội. Trong phòng giam chật hẹp, không có nước để cử hành bí tích thanh tẩy,Thánh Phêrô đã dùng gậy đập trên nền đá, lạ lùng thay, một dòng nước vọt lên ngay chân cột nơi các tù nhân bị trói với xiềng xích và đánh đòn trước khi bị đem ra hành quyết. Bức tranh trên tường của căn phòng thuật lại sự kiện Thánh Phêrô rửa tội cho hai người giữ ngục. Xiềng xích trói hai ngài được trưng bày tại đây. Chúng tôi được xuống tận nơi có mạch nước của phép lạ, thinh lặng và cầu nguyện, bày tỏ lòng tôn kính hai vị thánh cột trụ của Giáo Hội.
Phụng vụ mừng kính hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô cùng chung một ngày. Hai con người khác nhau từ cá tính đến thân thế nhưng cùng chung một ơn gọi từ Chúa Kitô, cùng chung một niềm tin vào Chúa Kitô, chung một sứ mạng Chúa Kitô trao phó và cuối đời cùng chịu tử đạo vì Chúa Kitô tại Roma. Cùng chia sẽ một niềm tin, cùng thi hành một sứ mạng, Chúa Kitô đã đã đưa hai Ngài đến một cùng đích, một vinh quang đội triều thiên khải hoàn.
Bài ca nhập lễ ngày Lễ Trọng hôm nay vang lên hùng tráng: “Hai vì sao sáng chói, lấp lánh trên bầu trời, ngời sáng đêm trường, rực rỡ soi đường sưởi ấm yêu thương.Hai tình yêu chiến thắng, ngất ngây trong cuộc đời,từ trái tim nồng dòng máu anh hùng ngời sáng muôn trùng”.
Hai Thánh Tông Đồ là hai con người xuất thân khác nhau, tính cách khác nhau nhưng cùng một niềm tin, cùng một sứ mạng và cùng một vinh quang được đội triều thiên vinh hiển để trở thành hai vì sao sáng cho Giáo hội.
“Còn nhớ hôm nào người ba lần chối Giêsu. Còn nhớ ngày nào người bắt Chúa trong căm thù”. Lời ca súc tích đúc kết phần một trong cuộc đời hai Ngài: chối Thầy, bắt Thầy. Nhưng cuộc đời phần hai đã viết nên những trang hào hùng oanh liệt. Nhờ tình yêu Chúa dẫn lối, hai Ngài cầm đuốc Tông đồ rao truyền Tin mừng Chúa Giêsu Kitô cho thế giới.
Đọc lại cuộc đời của hai Thánh Tông đồ để nhận thấy sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Ơn Gọi Tông Đồ quả là một mầu nhiệm lạ lùng.
1. Thánh Phêrô
Cuộc đời Phêrô có nhiều sôi nổi. Gồm lại những sôi nổi, ta có thể chia đời ông ra làm hai: cuộc đời phần một, từ khi theo Thầy ở biển hồ Galilê đến lúc chối Thầy; phần hai, từ khi theo Thầy ở biển hồ Tibêria cho đến cuối đời chết ở Roma.
Trong cuộc đời phần một của Phêrô, ông đi từ lỗi lầm này sang lỗi lầm khác.Cuối đời của Chúa,Chúa đã bị ông từ chối thê thảm (Mc 14,66-72).
Gom nhặt những đoạn Phúc âm nói về Phêrô, ta thấy mãnh đời của ông có nét chân dung thế này: là tông đồ bị Chúa mắng nhiều nhất.
- Mắng lần đầu tiên: Quân yếu tin ( Mt 14,31)
- Mắng lần thứ hai: Ngu tối ( Mt 15,16)
- Mắng lần thứ ba: Satan ( Mc 8,33)
Khi Chúa bị bắt, bị kết án, Phêrô đã chối Thầy 3 lần. Phêrô chối Chúa vì quá yếu đuối chứ không phải vì không yêu Thầy.Trước cái chết, Phêrô rùng mình chối bỏ, tìm đường chạy trốn.Thế nhưng, trước yếu đuối ấy, Phêrô đã khóc lóc nhớ lại lời Chúa nói về thân phận mình, ông oà khóc nức nở như một đứa bé với dòng lệ sám hối. Chúa đã nhìn ông bằng ánh mắt thứ tha trìu mến. Đời ông là giằng co giữa yếu đuối và dũng mảnh, giữa trọn vẹn và dang dỡ, giữa xa và gần, giữa trời và đất. Trái tim ông có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng. Đời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại. Trong sự vấp ngã yếu đuối cuộc đời phần một của người môn đệ này vẫn có một tâm hồn chân thành.
Phần hai cuộc đời ông là một thiên anh hùng ca.Thiên anh hùng ca được mở đầu bằng những lời chứng của Gioan (Ga 21,2-3). Lời chứng nói về một đêm đen mờ mịt của biển hồ Tibêria, rồi đưa đời ông từ đêm đen mờ mịt ấy về một cõi trời phiêu bạt mịt mù sương gió cho Nước Trời.
Sứ mạng theo Đức Kitrô khởi đầu từ đây khi bảy anh em ra đi đánh cá, vất vả cả đêm mà không được gì. Đức Giêsu Phục Sinh đến với họ, ban cho họ mẻ cá lạ lùng.Chính Đấng Phục Sinh đã hỏi ông: Phêrô, con có yêu mến Thầy không ? Phêrô đáp: Thưa Thầy,Thầy biềt rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mên Thầy. Sau khi Phêrô trả lời câu hỏi ấy với tất cả chọn lựa cân nhắc, Chúa nói với ông rằng: Thầy bảo cho anh biết, lúc còn trẻ anh tự thắt lưng lấy và đi đâu tuỳ ý.Nhưng khi đã về già,anh đã phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn tới nơi anh chẳng muốn. Phúc âm Gioan cắt nghĩa rõ con đường này là: Người nói như vậy có ý ám chỉ ông phải chết cách nào.Thế rồi Chúa bảo ông: hãy theo Thầy. Chỉ chờ đợi lời mời gọi này, Phêrô lập tức lên đường thực thi sứ mạng Thầy trao.Từ đây trên tảng đá này Thầy xây Giáo hội của Thầy, cửa hoả ngục sẽ không thắng được.Từ đây, những trang sử vẻ vang của giáo hội sơ khai được viết nên bởi vị Tông đồ có lòng yêu mến Chúa thiết tha.
2. Thánh Phaolô
Đọc Công vụ Tông tồ từ chương 8 trở đi, chúng ta bắt gặp một Saolô, ở Tacxô, là người Do thái, trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái và Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Gamaliên ở Giêrusalem. Cuộc đời phần một của Phaolô là biệt phái nhiệt thành đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Têphanô và trên đường Đamát truy lùng các Kitô hữu.
Được ơn trở lại trên đường Đamat, Saolô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô,Tông Đồ dân ngoại. Cuộc đời phần hai của Phaolô đã viết nên thiên anh hùng ca.
Sách Công vụ tông đồ kể lại: trên đường Đamat, Phaolô rong ruổi trên yên ngựa hăng say truy bắt các Kitô hữu, bỗng nhiên, một luồng ánh sáng từ trời loé rạng bao lấy ông. Không bao giờ Phaolô còn thoát được ra ngoài ánh sáng đó.Từ đó trở đi, Chúa Kitô đã trở thành tất cả đối với Phaolô.Từ đó trở đi, chỉ có Chúa Kitô là đáng kể.
Khi đã biết Chúa Kitô thì “ những gì xưa kia tôi cho là có lợi,thì nay,vì Đức Kitô,tôi cho là thiệt thòi.Hơn nữa tôi còn coi tất cả mọi sự là thiệt thòi,so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô,Chúa của tôi.Vì Ngài, tôi đành mất hết,và tôi coi tất cả như đồ bỏ,để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.Được như vậy,không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại,nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Giêsu ( Pl 3,7-9). Từ đó trở đi, Phaolô hiên ngang vì tư cách làm môn đệ Chúa Kitô và với tư cách ấy Ngài tuyên xưng sự duy nhất, sự bình đẳng, tình huynh đệ thực sự giữa tất cả mọi người:” Vì anh em,phàm ai đã được thanh tẩy trong Đức Kitô thì đã được mặc lấy Đức Kitô: không còn Do thái hay Hy lạp, không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ, vì anh em hết thảy là một trong Đức Kitô Giêsu(Gal 3,27-28).Vì Đức Kitô là “tất cả mọi sự và trong mọi người” ( Col 3,11). Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô.Các mối phúc thật được kết tinh nơi cuộc đời Phaolô. Biết mình đã tin vào ai, Phaolô đã sung sướng sống nghèo, lấy việc lao động đổi miếng ăn, không để giáo hữu phải cung phụng mình (1Cor 9,3-18 ; 2Cor11,8-10), sung sướng vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô. Phaolô không ngại trở nên hùng hồn kể về những “… lao tù đòn vọt,bao lần suýt chết,năm lần bị người do thái đánh bốn mươi roi bớt một,ba lần bị đánh đòn,một lần bị ném đá,ba lần bị đắm tàu,một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi.Phải chịu đủ thứ nguy hiểm bởi “phải thực hiện nhiều cuộc hành trình,gặp bao nguy hiểm trên sông,nguy hiểm do trộm cướp,nguy hiểm do đồng bào,nguy hiểm vì dân ngoại,nguy hiểm ở thành phố,trong sa mạc,ngoài biển khơi,nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em;phải vất vả mệt nhọc,thường phải thứcđêm,bị đói khát,nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng” ( 2 Cor 11  23-27). Phaolô ra vào tù thường xuyên. Có lần, Ngài viết từ ngục thất cho Timôthê: “anh đừng hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta,cũng đừng hổ thẹn vì tôi,là kẻ bị tù vì Ngài”. Phaolô không hổ thẹn “vì tôi biết tôi đã tin vào ai …” (2 Tim 1,8-12).Vì Đức Kitô “tôi phải lao đao khốn khó đến cả xiềng xích như kẻ gian phi,nhưng Lời Thiên Chúa không bị xiềng xích” (2Tim 2,9). Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình “ Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành” (2 Cor 12,9). Không gì có thể làm nao núng lòng tin mãnh liệt ấy  “chúng tôi bị dồn ép tư bề nhưng không bị đè bẹp, hoang mang nhưng không tuyệt vọng, bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi, bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt”( 2 Cor 4,8-9).
Vị Tông đồ dân ngoại đã nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức “Khốn thân tôi,nếu tôi không rao giảng Tin mừng”( 1Cor 5,14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài “tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa,là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi”( Gal 2,20).
Vì Đức Kitô và vì Tin mừng, thánh nhân đã sống và chết cho sứ vụ. Cuộc sống buôn ba vì Nước trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân,bắt bớ,đói khát,trần truồng,nguy hiểm,gươm giáo? … Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống,dù thiên thần hay thiên phủ,dù hiện tại hay tương lai,hay bất cứ sức mạnh nào,trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác,không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô,Chúa chúng ta” ( Rm 8,35-39).
3. Phêrô và Phaolô, tượng đài hiệp nhất
Giáo hội mừng kính hai thánh Tông đồ, hai cột trụ Giáo hội cùng chung một ngày. Hai con ngưòi khác nhau từ cá tính đến thân thế nhưng cùng chung một ơn gọi từ Chúa Kitô, cùng chung một niềm tin vào Chúa Kitô, chung một sứ mạng Chúa Kitô trao phó và cuối đời cùng chịu tử đạo vì Chúa Kitô tại Roma. Cùng chia sẽ một niềm tin, cùng thi hành một sứ mạng, Chúa Kitô đã đã đưa hai Ngài đến một cùng đích, một vinh quang đội triều thiên khải hoàn. Hai con người khác biệt ấy laị có những điểm tương đồng lạ lùng.Chúa Kitô đã nối những điểm tương đồng ấy để tất cả được nên một ở trong Người. Thánh Phêrô, trước đây hèn nhát, sợ hãi, chối Chúa, về sau yêu Chúa nồng nàn thiết tha. Thánh Phaolô, trước kia ghét Chúa thậm tệ, sau này yêu Chúa trên hết mọi sự. Trước kia hai vị rất khác biệt, bây giờ cả hai nên một trong tình yêu Chúa.
Sự nghiệp Tông đồ tiếp bước Chúa Kitô, hai vị hiệp nhất trong cùng một lòng chân thành tuyên xưng, hiệp nhất trong một tâm huyết nhiệt thành rao giảng để rồi mãi mãi hiệp nhất trong cùng một đức tin minh chứng. Mặc dù có nhiều khác biệt về thành phần bản thân, về ơn gọi theo Chúa về hướng truyền giáo, nhưng cả hai vị đã tạo nên sự hiệp nhất trong đa dạng. Cùng chịu tử đạo. Cùng trở thành nền móng xây toà nhà Giáo hội. Cùng trở nên biểu tượng hiên ngang của niềm tin Công Giáo. Hai Vì Sao Sáng được Giáo hội mừng chung vào một ngày lễ 29 tháng 6. Hai Tông Đồ cột trụ đã trở nên tượng đài của sự hiệp nhất trong Giáo hội. Hiệp nhất là một công trình được xây dựng với nhiều nổ lực của con người dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh.  “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả”, đó là khuôn vàng thước ngọc cho tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội (x. Làm nụ hoa trắng. ĐGM Vũ Duy Thống).
Đón nhận ánh sáng từ nơi Chúa Kitô, hoạt động truyền giáo theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh, hai Thánh Tông Đồ Phêrô, Phaolô đã nên hai vì sao sáng ngời, trở nên nền tảng hiệp nhất. Xin hai Ngài luôn nâng đỡ Giáo hội hiệp thông.


Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

CHÚA NHẬT XIII TN-C: "Đạo yêu nhau"

CHÚA NHẬT XIII TN-C: "Đạo yêu nhau"
Một thiền sư nổi tiếng đã kể giai thoại sau đây về cuộc đối thoại dí dỏm giữa Đức Phật và ác thần Mara:
Ngày nọ, Đức Phật đang bận việc dưới hầm, còn Ananda, đệ tử thân tín của Ngài đứng ngoài cửa. Thình lình Ananda thấy Mara xuất hiện, Ananda cứ tưởng rắng Mara bị lạc lối. Nhưng Mara tiến lại gần Ananda và yêu cầu cho được gặp Đức Phật, Ananda ngạc nhiên trước yêu cầu của Mara nên hỏi lại:
- Ngươi còn đứng đây để làm gì ? Ngươi không nhớ là Đức Phật đã nhiều lần đánh bại ngươi dưới gốc cây bồ đề rồi sao ? Ngươi còn vác mặt tới đây làm gì ? Ngươi không biết xấu hổ sao ? Cút đi, Đức Phật không muốn thấy mặt ngươi nữa đâu, ngươi là đồ ác, ngươi là kẻ thù của Ngài.
Nghe thế, Mara liền cười ngất: Sao, ngươi bảo là sư phụ ngươi cũng có kẻ thù ư ?
Ananda cảm thấy bối rối, anh biết Đức Phật chưa bao giờ nói rằng ngài có kẻ thù. Đuối lý, Ananda liền xuống hầm báo tin cho Đức Phật biết Mara xin được gặp Ngài. Anh hy vọng Đức Phật sẽ sai anh lên nói với Mara rằng: Ngài đang bận, không thể tiếp hắn được. Nhưng trái với những dự đoán của Ananda, Đức Phật rất vui mừng khi nghe tin có Mara muốn gặp, cứ như thể hắn là một người bạn chí thân của Ngài, và Ngài liền thân hành đến gặp Mara. Ananda hết sức thất vọng khi thấy Đức Phật đến trước mặt Mara cung kính bái chào hắn, rồi nhiệt tình bắt tay hắn. Ngài niềm nở:  Chào ông bạn, ông bạn có khoẻ không ? Mọi việc đều tốt đẹp cả chứ ?
Nhưng Mara im lặng, không trả lời. Đức Phật mời hắn xuống hầm và sai Ananda pha trà. Ananda bực bội lắm, anh nghĩ trong bụng: ta có thể pha trà cho sư phụ mỗi ngày một trăm lần cũng được, nhưng pha trà cho Mara, thì ta thấy không vui chút nào, nhưng vì đó là lệnh của Đức Phật thì làm sao có thể từ chối được. Trong câu chuyện nghe lỏm giữa Đức Phật và Mara, Ananda nghe Mara thú nhận một cách chản nản như sau:
- Mọi việc diễn ra không tốt đẹp chút nào, tôi quá mệt mỏi vì phải làm Mara, tôi muốn được làm một cái gì khác cơ. Ngài biết đấy, đóng vai Mara không phải là chuyện dễ, có nói thì nói gian nói dối, cón có làm thì làm điều dữ điều ác. Tôi mệt mỏi lắm rồi. Nhưng điều làm cho tôi khó chịu hơn cả chính là các môn sinh của tôi. Ngày nay, cứ mỗi lần mở miệng ra thì họ nói tới công bình xã hội, hoà bình, bình đẳng, giải phóng, bất bạo động. Tôi nghe quá nhàm tai rồi, tôi nghĩ đến đã đến lúc tôi xin bàn giao chúng lại cho Ngài, tôi chỉ muốn làm một cái gì khác thôi.
Đức Phật lắng nghe với tất cả chú ý và cảm thông. Cuối cùng Ngài nói:
-  Bộ anh tưởng rằng làm Phật thì dễ hơn sao ? Anh không thấy những gì các môn sinh của tôi làm cho tôi sao ? Họ đặt trên miệng tôi những lời mà tôi chưa bao giờ thốt ra, họ xây chùa chiền cho tôi, tạc tượng tôi và đặt tôi lên bàn thờ để thu nhặt cam chuối, tiền bạc cho riêng họ. Tôi và giáo huấn của tôi đã trở thành đối tượng để đổi chác. Này ông bạn Mara, nếu ông biết được thế nào là làm Phật, tôi tin chắc ông chẳng muốn làm Phật chút nào đâu.
Giai thoại trên cho thấy một nghịch lý trớ trêu nhưng lại là một thực tế bi thảm: môn đệ của ác thần thì toàn nói chuyện nhân nghĩa, còn đệ tử của Đức Phật lại chỉ mãi mê nghĩ đến chuyện khấn vái và cúng tế để thu nhặt cam chuối và tiền bạc thay vì chuyên tâm tự giác giác tha. Sự thiếu nhất quán và óc thực dụng này đã bóp méo và làm biến chất không biết bao nhiêu giáo huấn tôn giáo cao siêu ! ( x. Nguyễn Thái Hợp, Chút này làm tin, Dấn Thân, Houston,2003,tr 203.)
Câu chuyện trên đây gợi lên hình ảnh hai môn đệ của Đức Giêsu qua trang Tin mừng Chúa nhật hôm nay. Gioan và Giacôbê đã nổi giận đùng đùng đòi sai lửa từ trời xuống thiêu rụi cả làng Samaria chỉ vì dân làng không tiếp đón Thầy của mình.
Thầy trò Đức Giêsu lên Giêrusalem ngang qua Samaria. Dân Samaria lại thù ghét người Do Thái. Mối hận thù đã có từ lâu đời, hai dân tộc luôn đối nghịch nhau và nhiều khi đã bùng nổ thành những cuộc thảm sát dã man đẫm máu. Vì thế, những đoàn hành hương thận trọng hơn, thường đi vòng qua bên kia sông Giócđan, tới tận Giêricô, băng qua sa mạc Giuđêa, trước khi đặt chân vào đền thờ Giêrusalem.
Chúa Giêsu trở về thủ đô. Ngài muốn đi qua xứ Samaria. Ngài đã sai sứ giả Gioan và Giacôbê đi trước để chuẩn bị với hy vọng dân làng sẽ đón tiếp Thầy trò. Thế nhưng, hai môn đệ trở về, lòng đầy căm tức thốt lên lời giận dữ:Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa trời xuống thiêu hủy chúng nó không ?  Phải áp dụng cho họ một hình phạt nặng nề nhất mà tiên tri Êlia ngày xưa đã dùng đến, đó là sai lửa trời xuống thiêu hủy họ (2 V 1,10-12). Chúa đã nặng lời khiển trách, rồi Thầy trò sang làng khác. Không kết án những người Samaria, Chúa Giêsu đi tới một làng khác, thực hiện đúng như lời đã dạy: nếu người ta từ chối không tiếp đón và nghe lời các con, thì các con hãy ra khỏi nhà của họ, rồi phủi bụi dưới chân các con. Hai môn đệ “con cái của thiên lôi” quá đổi ngỡ ngàng về thái độ của Thầy trước sự “vô lễ” của dân Samaria. Họ càng kinh ngạc hơn khi Chúa tuyên bố: anh em không biết anh em thuộc loại thần khí nào,vì Con Người đếnkhông phải để hủy diệt, nhưng  đến để cứu sống.
Trong não trạng của các môn đệ cũng như nỗi khát khao hàng thế kỷ của dân Do thái là mong đợi một Đấng Messia giải phóng dân tộc, phục hồi sức mạnh trần thế của Israel. Chúa Giêsu thận trọng để không bao giờ đồng hoá với hình ảnh một Đấng Thiên sai đã bị “chính trị hoá”. Chúa khai mở một con đường cứu độ bằng yêu thương, khổ đau, hy sinh, nhẫn nhục…
Sự kiện Chúa chống lại cám dỗ Satan trong sa mạc là khởi đầu một cuộc đấu tranh cam go và kiên trì kéo dài trong suốt hành trình dương thế. Chúa đã qưở trách Phêrô khi ông đóng vai trò Satan dụng tâm cám dỗ Ngài bỏ con đường cứu độ theo chương trình của Thiên Chúa: “Satan, xéo đi ! vì tâm tư ý nghĩ của ngươi không phải là của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 8,32). Chúa đã bỏ trốn lên núi một mình khi dân chúng tôn Ngài lên làm vua sau phép lạ hoá bánh ( Ga 6,5-15). Nhiều lần Chúa từ chối lời yêu cầu một dấu lạ nhãn tiền vì người ta muốn thử tài Ngài (Mt 12,38; Mc 8,11) hay để thoả mãn óc hiếu kỳ của người đời (Lc 23,8). Chúa chẳng bao giờ chấp nhận việc dùng phép lạ để hù doạ hay trừng phạt dân chúng. Ngay cả giây phút bi đát nhất bị quân binh vây bắt, một môn đệ vung kiếm chém đứt tai tên đầy tớ thượng tế, Chúa liền truyền lệnh:”Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai dùng gươm sẽ chết vì gươm. Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao ? Người sẽ cấp ngay cho Thầy mười hai đạo binh thiên thần ! Nhưng như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được ?” (Mt 26,52-54).
Đạo của Chúa là đạo tình thương, bao dung, nhân ái. Tin mừng cứu độ được gửi đến mọi người, đặc biệt là những người nghèo và tội lỗi. Hình ảnh người Mục tử tuyệt đẹp, bỏ lại 99 con chiên để vất vả ngược xuôi đi tìm con chiên lạc và khi tìm được thì vui mừng vác chiên lên vai, hân hoan mời mọi người chia sẻ niềm vui ( Lc 15, 4-7). Con đường Chúa chọn là con đường yêu thương của vị Mục tử nhân lành, dám hy sinh cuộc đời và tính mạng cho đàn chiên (Ga 10,11). Nơi Ngài, sứ vụ Messia và thân phận đau thương của Người Tôi Tớ Giavê đã quyện lẫn với nhau, như Isaia đã diễn tả trong “Bài ca về Người Tôi Tớ” (Is 52,13-53,12). Ngài là người Tôi tớ trung tín của Giavê ”bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, Ngài bị đánh phạt”(Is 53,8) ; “Ngài cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca, như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Ngài chẳng hề mở miệng”(Is 53,7) và tuyệt đối từ chối mọi hình thức sử dụng bạo lực.
Xuyên suốt dòng lịch sử, người Công Giáo Việt Nam sống Tin Mừng Chúa Giêsu bằng gương sáng bác ái đến nỗi đã giới thiệu được hình ảnh Đạo Công Giáo như “Đạo Yêu Nhau” cho những người đồng thời. Sống đạo là dựa vào sức mạnh của Thánh Thể và Lời Chúa, và thể hiện ra bên ngoài bằng những hành động bác ái yêu thương, khiêm nhường hy sinh. Sống đạo đúng mức cũng là chấp nhận lội ngược dòng. Sống đạo thẳng thắn cũng là chấp nhận phải thua thiệt so với những người khác. Sống đạo trọn vẹn cũng là một cách nào đó tử đạo hằng ngày.
Hình ảnh Đấng Thiên Sai đau khổ nơi Đức Giêsu diễn tả một cách thật hùng hồn điểm độc sáng của Kitô giáo: Thiên Chúa của Đức Giêsu không hù doạ hay ép buộc một ai. Ngài mời gọi con người sám hối, nhưng luôn tôn trọng phẩm giá và tự do chọn lựa của họ. Ngài tình nguyện đồng hành với anh em nhân loại trong cảnh ngộ của cuộc sống trần thế, kể cả thất bại, khổ đau và cái chết (x.sđd tr 217).
Chúa Giêsu không muốn sử dụng phép lạ quyền uy để thu phục nhân tâm. Ngài dùng tình thương để cảm hoá lòng người. Chúa Giêsu không xây dựng giáo thuyết trên quyền bính trần thế mà là ở sự từ bỏ và con đường thập giá. Chúa Giêsu đã chết để giải thoát con người khỏi xiềng xích tội lỗi. Ngài đã phục sinh để đem lại cho nhân loại cuộc sống viên mãn, nâng con người lên địa vị cao quý làm con Thiên Chúa.
Bước theo Chúa Giêsu, người tín hữu tìm được lẽ sống, ý nghĩa và cùng đích cho cuộc đời mình. Đó là một cuộc sống tràn đầy yêu thương hướng đến trọn lành.
Giữa một xã hội đang chạy theo nền kinh tế thị trường, khuynh hướng cá nhân và hưởng thụ duy vật chất, chúng ta sống Đạo Yêu Nhau  với lòng bao dung, nhân hậu, thắp sáng lửa Tin Mừng để trở nên ánh sáng, nên muối nên men cho cuộc đời.
Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An

THỨ BẢY TUẦN 12 TN: Th. Phêrô và Phaolô, tông đồ

29/06/13   THỨ BẢY TUẦN 12 TN
Th. Phêrô và Phaolô, tông đồ  Mt 16,13-19
HIỆP NHẤT XÂY DỰNG HỘI THÁNH
Đức Giêsu nói: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16,18)
Suy niệm: Phêrô và Phaolô là hai tông đồ khác nhau như nước với lửa: Phêrô là dân đánh cá ít học, Phaolô thuộc tầng lớp trí thức; Phêrô theo Chúa ngay từ đầu, còn Phaolô là ‘đứa trẻ sinh non’ (1Cr 15,8) mãi sau này mới theo Chúa; Phêrô gắn bó với Kitô hữu gốc Do Thái, còn Phaolô rao giảng cho dân ngoại. Khác nhau về gốc gác, về quan điểm truyền giáo, thế nhưng, trong Đức Giêsu, cùng với Đức Giêsu và vì Đức Giêsu, Đấng cả hai quý mến hơn mọi sự trên đời, Phêrô và Phaolô hiệp nhất trong một công trình chung: xây dựng Hội thánh của Đức Giêsu bằng lòng nhiệt thành hăng say rao giảng, bất chấp đòn vọt, tù đày (Phêrô), “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (Phaolô). Hai vị còn giống nhau trong cái chết hy sinh mạng sống cho Đấng mình yêu: Phêrô bị đóng đinh ngược đầu xuống đất, Phaolô bị chém đầu.
Mời Bạn: Nhớ rằng Hội thánh chủ ý mừng hai vị tông đồ trong một ngày lễ chính là để nêu cao tinh thần hiệp nhất trong công cuộc xây dựng Hội thánh. Bạn có quyết gạt bỏ những bất đồng để cùng hiệp nhất xây dựng gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, đoàn thể… không?
Sống Lời Chúa: Noi gương hai thánh Phêrô và Phaolô, tôi sẽ dẹp bỏ những tị hiềm, gạt bỏ những bất đồng với các thành viên khác, để xây dựng gia đình, cộng đoàn, giáo xứ… tốt đẹp hơn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã đặt thánh Phêrô là Đá, trên đó Chúa xây dựng Hội Thánh Chúa ở trần gian. Xin cho chúng con luôn hiệp nhất với Đấng Kế vị thánh Phêrô và với nhau để góp phần xây dựng Hội Thánh.
(5 Phút Lời Chúa)

THỨ SÁU TUẦN 12 TN: NẾU CHÚA MUỐN

28/06/13  THỨ SÁU TUẦN 12 TN
Th. Irênê, giám mục, tử đạo    Mt 8,1-4
NẾU CHÚA MUỐN
“Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” (Mt 8,3)
Suy niệm: Nhu cầu của con người thì bất tận, không bao giờ hết, mà đã có nhu cầu thì luôn mong muốn được thỏa mãn. Vì thế mà con người luôn đi tìm kiếm mọi cách để lấp đầy những nhu cầu ấy. Không những thế, người ta còn coi thần linh như một thứ công cụ để đáp ứng những nhu cầu đời sống của mình. Cứ nhìn cảnh cả rừng người chen lấn, xô đẩy, thậm chí dẫm đạp cả lên nhau để “cướp ấn” “giành lộc” tại các đền chùa trong những dịp đầu năm, lễ hội sẽ thấy rõ. Lời Chúa hôm nay kể lại thái độ của người bị bệnh phong cho biết phải cầu xin thế nào cho đúng đắn. Anh ta rất muốn được khỏi bệnh phong, anh cũng cầu xin cho được khỏi bệnh nhưng với một điều kiện: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm tôi được sạch.”
Mời Bạn: Có lẽ bạn và tôi cũng có thói quen “xin bằng được” nhưng không phải cho ý Chúa được thể hiện mà là xin cho được như ý của mình. Bạn cứ cầu xin vì Chúa muốn như thế (x. Mt 7.7-11; 18,19; Ga 14,13-14; 16,24-26), nhưng khi cầu xin bạn hãy nói như anh bị bệnh phong: “Nếu Chúa muốn” và bạn hãy xin: “Xin cho ý Chúa được thể hiện.”
Chia sẻ: Điều gì bạn đang cần mà bạn nghĩ rằng cũng hợp với ý Chúa? Bạn hãy cầu xin Chúa về điều đó.
Sống Lời Chúa: Sau giờ kinh tối gia đình, bạn thinh lặng cầu xin Chúa cho gia đình mình điều mà bạn nghĩ hợp với ý Chúa nhất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã cho con thấy thánh ý Chúa trong những lúc gặp khó khăn, để con luôn biết nói với Chúa ‘nếu Chúa muốn’ trong mọi lúc. Nhưng cũng xin thêm cho con lòng can đảm để có thể trung thành với thánh ý Chúa suốt đời con. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
ĐỨC THÁNH CHA khẳng định: Giáo Hội là đền thờ của Thiên Chúa"
Giáo Hội là “nhà của Thiên Chúa”, là đền thờ tinh thần mà chính Chúa Kitô, Đền Thờ sống động của Thiên Chúa Cha, xây dựng, trong đó có Chúa Thánh Thần ở, linh hoạt, hướng đẫn và nâng đỡ, và chúng ta là các viên đá sống động.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như trên với 100.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư, 26-6-2013, tại quảng trường thánh Phêrô.
Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã khai triển hình ảnh cuối cùng giúp minh giải mầu nhiệm của Giáo Hội: đó là hình ảnh Giáo Hội là đền thờ của Thiên Chúa (LG, 6). Ngài nói:
Từ “đền thờ” khiến chúng ta nghĩ tới một dinh thự, một việc xây cất. Một cách đặc biệt, tâm trí của nhiều người trở về với lịch sử của Dân Israen được kể trong Thánh Kinh Cựu Ước. Tại Giêrusalem, Đền Thờ của vua Salomon đã là nơi gặp gỡ với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện: bên trong Đền Thờ, có Hòm Bia Giao Ước, dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người; và trong Hòm Bia Giao Ước, có các Bảng Lề Luật, có Bánh Manna và cây gậy của ông Aharon: những điều này nhắc nhớ tới sự kiện Thiên Chúa đã luôn luôn ở trong lịch sử của dân Người, đồng hành với họ trên đường và hướng dẫn bước chân họ. Đền Thờ nhắc nhớ lịch sử này.”
Cả chúng ta nữa, khi chúng ta đến Đền Thờ, chúng ta cũng phải nhớ tới lịch sử này, lịch sử của tôi, của mỗi người trong chúng ta, lịch sử của chúng ta, như Chúa Giêsu đã gặp gỡ tôi, như Chúa Giêsu đã đồng hành với tôi, như Chúa Giêsu yêu thương tôi và chúc lành cho tôi.”
Đây, điều đã được hình dung trước trong Đền Thờ xưa kia, đã được thực hiện bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội: Giáo Hội là ”nhà của Thiên Chúa”, là nơi Người hiện diện, là nơi chúng ta có thể tìm thấy Chúa và gặp gỡ Chúa. Giáo Hội là Đền Thờ trong đó có Chúa Thánh Thần ở, Người là Đấng linh hoạt, hướng dẫn và đỡ nâng Giáo Hội. Nếu chúng ta tự hỏi chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa ở đâu? Chúng ta có thể bước vào sự hiệp thông với Người qua Chúa Kitô ở đâu? Chúng ta có thể tìm thấy ánh sáng của Chúa Thánh Thần soi sáng cuộc sống chúng ta ở đâu? Câu trả lời là: trong dân của Thiên Chúa, giữa chúng ta, chúng ta là Giáo Hội. Giữa chúng ta, trong dân của Thiên Chúa và Giáo Hội, trong đó chúng ta gặp Chúa Thánh Thần, chúng ta gặp Thiên Chúa Cha.”
Đền thờ xưa kia đã do tay con người làm ra: người ta muốn cho Thiên Chúa “một ngôi nhà” để có một dấu chỉ hữu hình sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người. Với sự Nhập Thể của Con Thiên Chúa, lời tiên tri ngôn sứ Nathan nói với Vua Đavít (x. 2 Sm 7,1-19) được thành toàn: không phải nhà vua, không phải chúng ta “cho Thiên Chúa một ngôi nhà”, nhưng chính Thiên Chúa “xây nhà của Người” để đến ở giữa chúng ta, như thánh Gioan viết trong phần dẫn nhập Phúc âm (x. Ga 1,14). Chúa Kitô là Đền Thờ sống động của Thiên Chúa Cha, và chính Chúa Kitô xây “ngôi nhà tinh thần của Người”, là Giáo Hội, được làm không phải bằng các viên đá vật chất, mà bằng các “viên đá sống động” là chúng ta. Thánh Tông Đồ Phaolô nói với các tín hữu Êphêxô rằng: anh em đã được xây trên nền tảng của các tông đồ và các ngôn sứ, có cùng đá tảng góc tường là chính Chúa Kitô Giêsu. Trong Người, toàn công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa cũng được xây dựng cùng với những người khác, thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí (Ep 2,20-22). Điều này thật là đẹp! Chúng ta là các viên đá sống động trong ngôi nhà của Thiên Chúa, hiệp nhất một cách sâu đậm với Chúa Kitô là đá tảng nâng đỡ và cũng là sự nâng đỡ giữa chúng ta với nhau, phải không? Và điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa chúng ta là Đền Thờ, là Giáo Hội, nhưng chúng ta là Giáo Hội sống động, chúng ta là Đền Thờ sống động, và trong chúng ta khi chúng ta hiệp nhất cùng nhau, thì có Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta lớn lên như là Giáo Hội. Chúng ta không cô đơn, chúng ta là dân của Thiên Chúa”.
Và Đức Thánh Cha chỉ mọi người hiện diện và nói: “Đây là Giáo Hội, dân của Thiên Chúa”.
Rồi Đức Thánh Cha nhấn mạnh vai trò của Chúa Thánh Thần như sau:
Và Chúa Thánh Thần với các ơn của Người chỉ định sự khác biệt: điều này quan trọng. Thế Chúa Thánh Thần làm gì giữa chúng ta? Người chỉ định sự khác biệt, sự khác biệt là sự phong phú trong Giáo Hội và hiệp nhất tất cả và mọi người, để xây nên một ngôi đền tinh thần, trong đó chúng ta không dâng lên các lễ tế vật chất, mà dâng lên chính chúng ta, cuộc sống của chúng ta (x. 1 Pr 2,4-5). Giáo Hội không phải là một giao thoa của các sự vật và các lợi lộc, mà là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần, Đền Thờ trong đó Thiên Chúa hoạt động, Đền Thờ trong đó với ơn bí tích Rửa Tội, mỗi một người trong chúng ta là viên đá sống động. Điều này nói với chúng ta rằng không có ai là vô ích trong Giáo Hội cả. Nếu có người tình cờ nói với ai đó rằng: ”Thôi về nhà đi, bạn là một người vô ích”. Điều này không thật đâu! Không có ai vô ích trong Giáo Hội cả: Tất cả chúng ta đều cần thiết để xây dựng Đền Thờ này. Không có ai là phụ thuộc cả! ”Ô, tôi là người quan trọng nhất trong Giáo Hội!” Không. Tất cả chúng ta đều bằng nhau trước mắt Thiên Chúa, tất cả, tất cả. Nhưng mà một ai đó trong anh chị em có thể nói: ”Nhưng mà xin Đức Thánh Cha nghe đây, Đức Thánh Cha đâu có ngang hàng với chúng con được!” Có chứ, tôi cũng như mọi người trong anh chị em thôi, chúng ta tất cả đều bằng nhau, chúng ta tất cả là anh em với nhau! Không có ai là vô danh cả. Tất cả chủng ta làm thành và xây dựng Giáo Hội. Điều này cũng mời gọi chúng ta suy tư về sự kiện nếu thiếu viên đá cuộc sống kitô của chúng ta, thì thiếu một cái gì đó cho vẻ đẹp của Giáo Hội.
Và vài người cũng có thể nói: ”A, tôi với Giáo Hội à, không, tôi không ăn nhập gì tới Giáo Hội cả!” Nhưng mà thiếu viên đá đời bạn trong ngôi Đền Thờ xinh đẹp này! Không ai có thể bỏ đi được, phải không? Tất cả chúng ta đều phải đem đến cho Giáo Hội cuộc sống, con tim, tình yêu, tư tưởng, công việc làm... Tất cả cùng nhau!
Kết luận bài huấn dụ, Đức Thánh Cha đã nêu lên câu hỏi sau đây:
Chúng ta sống sự kiện là Giáo Hội của chúng ta như thế nào? Chúng ta có là các viên đá sống động, hay chúng ta là các viên đá mỏi mệt, chán nản, thờ ơ? Mà anh chị em có thấy một kitô hữu mệt mỏi, chán nản, thờ ơ là điều xấu xa không? Một kitô hữu như thế, thật là xấu. Không được như vậy! Kitô hữu phải sinh động, tươi vui, là tín hữu kitô! Phải sống vẻ đẹp là thành phần dân của Thiên Chúa, là Giáo Hội. Vậy chúng ta có rộng mở cho hoạt động của Chúa Thánh Thần để là thành phần tích cực trong các cộng đoàn của chúng ta hay không, hay chúng ta khép kín trong chính mình và nói: “Tôi có biết bao nhiêu điều phải làm, đó không phải là nhiệm vụ của tôi làm điều này điều nọ?” Đừng khép kín trong chính mình.”
Xin Chúa ban cho chúng ta ơn của Người, sức mạnh của Người để chúng ta có thể hiệp nhất một cách sâu xa với Chúa Kitô, là đá góc, là cột trụ, là đá đỡ nâng cuộc sống chúng ta và toàn cuộc sống của Giáo Hội. Chúng ta hãy cầu nguyện để được linh hoạt bởi Thần Khí của Người. Chúng ta luôn là các viên đá sống động của Giáo Hội.”
Sau khi chào nhiều phái đoàn tín hữu và chúc họ có những ngày hành hương Roma tươi vui và được nhiều ơn ích, Đức Thánh Cha đã cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.
Đức Thánh Cha cũng đã để ra gần một giờ đồng hồ để chào một số Hồng Y, Giám Mục tham dự buổi tiếp kiến, cũng như tín hữu đứng hai bên khán đài, các cặp vợ chồng mới cưới và đặc biệt là các người tàn tật ngồi trên xe lăn. Hôm qua, có nhiều em bé khi được Đức Thánh Cha hôn, cứ ôm chặt và không muốn rời cổ ngài nữa. Tín hữu tặng Đức Thánh Cha đủ thứ. Các em bé thì tặng hình chúng vẽ, cầu thủ các đội banh thì tặng Đức Thánh Cha áo của họ. Nhiều người đem các ảnh tượng, kể cả chén thánh để xin Đức Thánh Cha làm phép. Ngài dừng lại, lắng nghe và nói chuyện lâu với một số người, và không bao giờ tỏ ra vội vã. Đây là điểm đã thu hút tín hữu rất mạnh.
Linh Tiến Khải
(Vatican 2013-06-26)

Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Suy niệm: LÀM ĐIỀU TỐT CHÚA MUỐN(27-6-2013)

27/06/13 THỨ NĂM TUẦN 12 TN
Th. Syrilô, giám mục Alêxanri, tiến sĩ Hội Thánh
Mt 7,21-29
LÀM ĐIỀU TỐT CHÚA MUỐN
“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7,21)
Suy niệm: Một nhà tu đức vạch ra một trong âm mưu của ma quỷ không phải là cám dỗ ta làm điều xấu mà là cám dỗ ta làm điều tốt, nhưng không phải là điều tốt Chúa muốn. Lời Chúa hôm nay cảnh báo cho ta điều đó. Nếu chỉ siêng năng “đọc kinh, xem lễ”, tham dự những lễ nghi long trọng mà thiếu việc “thi hành ý của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” thì chưa đủ để vào Nước Trời, mà trái lại còn đáng bị Chúa gọi là “phường gian ác” và bị đuổi đi “khuất mắt Chúa.” Thi hành ý Chúa Cha không phải là cứ làm bất kỳ điều gì mình cho là tốt mà là làm điều tốt Chúa Cha muốn. Chúa Giêsu nêu gương cho chúng ta khi Ngài từ khước ý riêng mình để chọn con đường cứu độ bằng thập giá như ý Chúa Cha muốn: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,40).
Mời Bạn: Chúng ta phải luôn cảnh giác trước những cám dỗ êm dịu là pha mình vào nhiều hoạt động xét khách quan không xấu, thậm chí còn rất tốt nữa. Thế nhưng đó có thể là những điều tốt giả bởi vì không phải là điều tốt Chúa muốn. Trong tình huống có nhiều chọn lựa mà chọn lựa nào xem ra cũng tốt, thì điều gì giúp chúng ta giống với Chúa Kitô vác thập giá nhất đó chính là điều tốt mà Chúa muốn chúng ta thực hiện.
Sống Lời Chúa: Kiểm điểm mỗi ngày: Hôm nay tôi có làm điều tốt giả nào không? Động lực nào khiến tôi làm thế?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được bắt chước Chúa luôn tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa Cha. Amen.

Bù nhìn

Bù nhìn
(Trong công việc, nhiều lúc mình cô độc bởi một đám tay chân. Hãy sống thực với trách nhiệm của mình)

Giữa đồng không mông quạnh, 
Dưới nắng cháy mưa tuôn, 
Trên bùn nhơ ẩm ướt,
Chung quanh chẳng bóng người.

Có mắt mà không nhìn,
Có tai chẳng được nghe,
Có miệng chẳng được nói,
Một mình chỉ một mình.

Nhờ gió thoảng mây bay,
Đôi tay gầy phất phất,
Đuổi đi loài ác điểu,
Xua tan lũ chim đen.

Bù nhìn, hỡi bù nhìn.
Nhiều người coi thường mi
Điều đó có là chi
Sống thực với chính mình.
                                                        NvT


Suy niêm: XEM QUẢ BIẾT CÂY

26/06/13 - THỨ TƯ TUẦN 12 TN
Mt 7,15-20
XEM QUẢ BIẾT CÂY
“Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. Vậy, cứ xem họ sinh quả nào, thì biết họ là ai.” (Mt 7,19-20)
Suy niệm: Báo chí thỉnh thoảng vẫn đăng tin đó đây có những người tuyên bố mình có khả năng chữa lành bách bệnh… bằng những phương thức kỳ quái. Thiên hạ đổ xô tới xin chữa bệnh. Chỉ khi tiền mất tật mang người ta mới vỡ lẽ ra đó chỉ là chiêu trò lừa dối để thủ lợi. Xem quả biết cây là như thế! Chúa Giêsu cũng dùng kinh nghiệm dân gian đó để cảnh báo chúng ta trước hiện tượng những “ngôn sứ giả” không phải là hiếm trong xã hội hôm nay (x. 1Ga 4,1): bề ngoài họ “đội lốt chiên” nhưng bên trong họ là những “sói dữ tham mồi.” Áp dụng nguyên tắc “xem quả biết cây” này, thánh Gioan tông đồ đưa ra một tiêu chí để nhận định: “Thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa” (1Ga 4,2). Quả thế, những người xưng mình là môn đệ Chúa Kitô mà đời sống không làm chứng cho thập giá của Ngài thì đã là ngôn sứ giả, là phản-Kitô rồi.
Mời Bạn: Mời bạn rà soát xem trong mảnh đất tâm hồn bản có “cây” nào sinh “trái” ích kỷ, gian tham, ghen ghét, và mời  bạn mạnh dạn triệt hạ những “cây” xấu đó. Và hãy nỗ lực trổ sinh những hoa trái của Thánh Thần là những việc làm “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22-23).
Sống Lời Chúa: Chọn một loại “trái tốt” của Thánh Thần để “sản xuất” thành nhiều việc tốt trong đời bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn chúng con sinh nhiều hoa trái và để hoa trái chúng con tồn tại. Xin giúp chúng con sinh nhiều trái tốt cho Nước Chúa.
(5 Phút Lời Chúa)

Family